Thẩm phán là gì? 7 tố chất cần có của một người thẩm phán giỏi

Thẩm phán (tiếng Anh là judge) là người đứng đầu một Toà án để xét xử những vụ án và giải quyết những tranh chấp thuộc thẩm quyền. Vậy thẩm phán là gì, học ngành nào để trở thành thẩm phán và những tố chất để trở thành một thẩm phán giỏi, thanh minh và trung thực là gì?

Thẩm phán là gì?

Theo quy định trong hệ thống tư pháp của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thẩm phán là một chức danh của cá nhân được nhà nước bổ nhiệm để thực hiện các nhiệm vụ giải quyết, xét xử vụ án và những công việc khác liên quan đến thẩm quyền giải quyết của Toà án. Như vậy có thể hiểu, thẩm phán là người có quyền hạn cao nhất trong một Toà án và cũng là người thực hiện quyền đưa ra những quyết định xét xử hành vi vi phạm pháp luật, giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền giải quyết của Toà án đó. Bạn đã hiểu thẩm phán là gì chưa nào?

Thẩm phán là gì
Thẩm phán là người đứng đầu Toà án có trách nhiệm đưa ra những quyết định xét xử, giải quyết tranh chấp thuộc thẩm quyền

Hiện nay tại Việt Nam, thẩm phán được chia thành các cấp xét xử như sau:

  • Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao
  • Thẩm phán cao cấp
  • Thẩm phán trung cấp
  • Thẩm phán sơ cấp

Những điều kiện để trở thành Thẩm phán

Với đặc thù một công việc quan trọng đòi hỏi sự liêm chính và hiểu rõ luật pháp nên điều kiện để trở thành Thẩm phán cũng khá khắt khe. Theo điều 67 Luật Tổ chức Toà án nhân dân 2014 đã quy định những tiêu chuẩn để trở thành Thẩm phán:

  • Cá nhân công dân sở hữu quốc tịch Việt Nam, tuyệt đối trung thành với tổ quốc với Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
  • Cá nhân phải là người có đạo đức tốt, tư tưởng chính trị vững vàng, kiên quyết và dũng cảm chống lại cái xấu, đứng ra bảo vệ lẽ phải, công bằng;
  • Cá nhân là người đã tốt nghiệp trình độ đào tạo cử nhân luật trở lên
  • Cá nhân cần phải hoàn thành khoá đào tạo chuyên môn nghiệp vụ xét xử của Toà án
  • Cá nhân là người đã có thời gian và kinh nghiệm trong công tác thực tiễn thực thi luật pháp
  • Tình trạng sức khoẻ đảm bảo để có thể hoàn thành tốt tất cả nhiệm vụ được giao.
Thẩm phán là ai
Điều kiện trở thành Thẩm phán rất khắt khe

Đó mới là những tiêu chuẩn mà một người Thẩm phán phải có được, còn để được bổ nhiệm lên Thẩm phán hay không là một chuyện khác. Trong hệ thống cấp bậc tổ chức của Toà án, Thẩm phán là người có quyền hạn cao nhất nên để bổ nhiệm lên vị trí này đòi hỏi phải đáp ứng rất nhiều điều kiện nghiêm khắc, cụ thể:

  • Cá nhân đã có kinh nghiệm và thời gian công tác pháp luật từ 05 năm trở lên;

Thường thì trước khi lên thẩm phán, cá nhân sẽ đảm nhiệm vị trí thư ký toà án, mà để trở thành một thư ký toà án, trước tiên cá nhân cần phải tốt nghiệp trình độ cử nhân luật và thi đậu vào kỳ thi công chức toà án và phải được nhà nước có quyết định bổ nhiệm làm thư ký toà án. Khi trở thành thư ký toà án, cá nhân cũng sẽ có thời gian trải nghiệm để tích luỹ kinh nghiệm giải quyết vụ án thực tế.

  • Cá nhân đã hoàn thành khoá đào tạo nghiệp vụ xét xử, thời gian học kéo dài khoảng 6 tháng, sau khi tốt nghiệp sẽ được cấp chứng chỉ nghiệp vụ xét xử.
  • Cá nhân là người có đủ năng lực để giải quyết những vụ việc khác thuộc thẩm quyền của Toà án;
  • Cá nhân đã thi đỗ trong kỳ thi tuyển chọn Thẩm phán.

Chế độ bổ nhiệm Thẩm phán

Xét về mặt thủ tục, thẩm phán Toà án nhân dân tối cao và các thẩm phán còn lại sẽ do Chủ tịch nước Việt Nam là người bổ nhiệm sau cùng. Nhưng nó trải qua 2 quy trình riêng biệt.

Bổ nhiệm thẩm phán Toà án nhân dân tối cao

Để được “ngồi” lên vị trí này, ứng viên phải được Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia gồm có Chánh án Toà án nhân dân tối cao, 1 phó Chánh án Toà án nhân dân tối cao, Chánh án toà án quân sự trung ương, các chánh án toà án nhân dân các cấp, 1 đại diện lãnh đạo uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Văn phòng Chủ tịch nước, Bộ Tư pháp, Bộ Quốc phòng, Ban chấp hành Trung ương Hội luật gia Việt Nam. Họ sẽ chọn và đề nghị Chánh án Toà án nhân dân tối cao đề cử lên Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Sau một thời gian Quốc hội phê chuẩn đề cử trên, nếu được phê duyệt thì Chủ tịch nước sẽ ra quyết định bổ nhiệm thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

Bổ nhiệm thẩm phán
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc quyết định bổ nhiệm Thẩm phán toà án nhân dân tối cao

Bổ nhiệm thẩm phán sơ cấp, trung cấp, cao cấp

Quy trình bổ nhiệm thẩm phán các cấp bậc này có phần dễ hơn, trước tiên ứng viên phải vượt qua kỳ thi tuyển chọn thẩm phán do hội đồng thi tổ chức. Sau kỳ thi này, ứng viên có thể được Hội đồng tuyển chọn, giám sát thẩm phán quốc gia chọn để gửi đề nghị lên Chánh án Toà án nhân dân tối cao và trình lên Chủ tịch nước quyết định bổ nhiệm vào ngạch thẩm phán ở cấp Toà án tương ứng. Nói chung, Chủ tịch nước sẽ là người ký quyết định sau cùng để bổ nhiệm tất cả các Thẩm phán từ sơ cấp cho đến Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao.

7 chuẩn mực đạo đức của Thẩm phán

Sau khi đã tìm hiểu thẩm phán là ai, thẩm phán là gì, chúng ta sẽ tìm hiểu 7 phẩm chất đạo đức tối thiểu mà một người Thẩm phán cần có. Cụ thể:

Tính độc lập

Trong quá trình giải quyết vụ án, thẩm phán phải là người tự đưa quyết định dựa trên cơ sở đánh giá của mình theo pháp luật. Không để bị tác động bởi bất kỳ sự can thiệp nào, ngoài ra phải độc lập với các thành viên của Hội đồng xét xử, những người tiến hành tố tụng và các yếu tố tác động bên trong và ngoài toà án.

Liêm chính

Thẩm phán phải là người liêm chính, trong sạch, thẳng thắn, trung thực, không vì lợi ích cá nhân mà làm sai lệch chuẩn mực xét xử theo pháp luật. Ngoài ra, thẩm phán phải công khai thu nhập cá nhân theo quy định.

Vô tư, khách quan

Thẩm phán phải là người vô tư, khách quan, thực hiện nhiệm vụ một cách đúng đắn, không thiên vị bất cứ bên nào. Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã xem xét công khai tại phiên toà, kết quả tranh tụng để đưa ra những quyết định đúng đắn nhất. Thẩm phán không được phát biểu hay bình luận gì tại phiên toà, phiên họp, trước công chúng làm ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ việc.

Công bằng, bình đẳng

Không vì lợi ích cá nhân mà nghiêng về một bên, phải đảm bảo tính công bằng, bình đẳng và nghiêm minh của pháp luật, đúng người đúng tội để những người tham gia tố tụng thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ của họ. Đặc biệt, thẩm phán không được cho phép các hành vi bất bình đẳng, phân biệt chủng tộc, giới tính xuất hiện tại phiên toà.

Thẩm phán trong tiếng anh
Thẩm phán phải là người công bằng, bình đẳng

Đúng mực

Trong hoạt động của mình, thẩm phán phải hành xử đúng mực, lịch thiệp, duy trì trật tự và sự tôn nghiêm của pháp luật, luôn kiên nhẫn, nhân ái với các bị cáo, đương sự và người tham gia tố tụng khác. Không được đưa ra những nhận định sai lệch theo cảm tính hoặc gây xúc phạm người khác.

Tận tuỵ và không chậm trễ

Phải cống hiến hết mình với công việc và nhiệm vụ được giao nhằm giải quyết nhanh nhất và công bằng nhất các vụ án, không để các vụ việc đi quá hạn luật định vì những nguyên nhân chủ quan.

Năng lực và sự chuyên cần

Thẩm phán phải tích cực học tập, không ngừng rèn luyện tích luỹ kinh nghiệm, cập nhật thông tin kịp thời để nắm bắt sự phát triển của pháp luật, chính trị, kinh tế và xã hội.

Trên đây là bài viết Thẩm phán là gì, hi vọng qua bài viết này bạn đã có cái nhìn sâu sắc hơn về vị trí cao nhất trong Toà án. Thẩm phán là một vị trí đặc biệt chỉ được tuyển dụng thông qua một Hội đồng đặc biệt và có quyết định bổ nhiệm của Chủ tịch nước nên đây là một trong những công việc cao cả và rất được trọng dụng. Vì là một người có tiếng nói lớn nhất trong Toà án nên hãy đảm bảo sự công bằng, nghiêm minh và tôn trọng pháp luật để Thẩm phán luôn là người xứng đáng trong cán cân công lý.

>> Xem thêm: Lương bác sĩ mới ra trường là bao nhiêu, có cao không?